Thức ăn chăn nuôi là những sản phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật, vi sinh vật, khoáng vật, những sản phẩm hóa học, công nghệ sinh học…, những sản phẩm này cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho con vật theo đường miệng, đảm bảo cho con vật khỏe mạnh, sinh trưởng, sinh sản và sản xuất bình thường trong một thời gian dài.
Dựa trên phương pháp chế biến, thức ăn chăn nuôi gồm:
- Thức ăn dạng bột
- Thức ăn dạng viên
Tại Việt Nam hiện đã có nhiều tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi với quy trình và thiết bị công nghệ hiện đại, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm; Đồng thời, đây cũng là những thương hiệu uy tín, lâu năm được người nuôi trồng tín nhiệm như Grobest, UP, Skretting, Thăng Long…
Để sản xuất thức ăn chăn nuôi chúng ta cần :
1. Thiết lập khẩu phần ăn
Trước khi bắt tay vào sản xuất, việc tiến hành thiết lập khẩu phần ăn là một bước quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng, đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả sử dụng và thời gian bảo quản thức ăn, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất.
Thức ăn của vật nuôi bao gồm 5 khẩu phần chính: tối thiểu, tương đối, thực tế, đầy đủ và bổ sung. Trước khi tiến hành sản xuất thức ăn, để phối hợp khẩu phần đạt kết quả tốt, đảm bảo cân đối dinh dưỡng cho vật nuôi và có giá thành hợp lý mang lại hiệu quả cho người nuôi, cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Xác định nhu cầu dinh dưỡng của từng loại động vật; lựa chọn nguyên liệu phối hợp; tính toán giá cả và tìm hiểu tính sẵn có của nguyên liệu; tính toán phương pháp tổ hợp khẩu phần.
2. Quy trình sản xuất
Sản xuất thức ăn chăn nuôi đòi hỏi phải khắt khe và nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo được sự bền vững của thức ăn và thành phần phối trộn không bị thay đổi qua quy trình sản xuất cũng như giữ được chất lượng trong quá trình vận chuyển, sử dụng và bảo quản. Thông thường một quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi gồm các bước theo bảng sau.
Một số thiết bị cơ bản cần thiết trong quá trình sản xuất gồm có: bộ phận nghiền, trộn, chuyền động và băng tải, máy ép viên, bộ phận phun, lò hơi, hệ thống sấy, làm mát, đóng bao.
3. Hệ thống nghiền nguyên liệu
Nghiền nhằm làm nhỏ nguyên liệu, giúp tăng khả năng tiếp xúc lẫn nhau trong quá trình trộn ép viên và tăng khả năng tiêu hóa. Có nhiều loại máy nghiền khác nhau trên thị trường hiện nay; đĩa nghiền và búa nghiền là bộ phận nghiền được sử dụng phổ biến trong các nhà máy sản xuất thức ăn. Đối với loại đĩa nghiền thức ăn được nghiền ép giữa hai đĩa có bề mặt thô, một trong hai đĩa hay cả hai đĩa sẽ quay ép. Nhược điểm là không thể nghiền nhỏ mịn các loại nguyên liệu. Búa nghiền bao gồm các búa chuyển động hoặc không chuyển động dập vào rotor. Các búa này sẽ nghiền nhỏ tất cả các nguyên liệu và được phân kích cỡ qua màn sàng lưới bằng thép. Các tấm sàng bằng thép này có các lỗ tùy thuộc vào kích cỡ mong muốn.
4. Hệ thống trộn
Máy trộn thức ăn có nhiệm vụ khuấy trộn các thành phần thức ăn đã được định mức theo một tỷ lệ thích hợp tạo thành hỗn hợp đồng nhất. Nhìn chung thành phần nguyên liệu khô được trộn trước sau đó mới tiếp tục trộn đến các nguyên liệu dạng ướt. Việc trộn có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần theo từng mẻ trộn. Thức ăn hỗn hợp được trộn đều giúp bổ sung dưỡng chất, mùi vị cho nhau giữa các thành phần nguyên liệu. Đồng thời, trộn thức ăn còn làm tăng cường phản ứng hóa học hay sinh học khi chế biến thức ăn. Thông thường trong công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi người ta thường sử dụng máy trộn vít đứng và máy trộn vít nằm ngang hay máy trộn ngang với bộ phận trộn hình mái chèo, ruy băng (ribbon).
5. Hệ thống ép viên
Là hình thức nén các thành phần hay hỗn hợp nguyên liệu đã trộn để tạo ra hình dạng viên thức ăn bền vững đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng của động vật chăn nuôi. Việc nén ép các nguyên liệu làm cho thức ăn đạt chất lượng tốt nhất. Hệ thống ép viên thường bao gồm các loại thiết bị: thùng nhận nguyên liệu, thiết bị ép viên, bộ phận làm nguội, nghiền, sàng và bộ phận chứa. Trong ép viên một bàn lỗ và trục cán được lắp ráp với nhau. Các vật liệu sau khi trộn được đưa qua bàn ép có chứa các lỗ và bị trục cán ép thành viên. Sử dụng hơi nước, nhiệt và áp lực để tạo lực kết dính các nguyên liệu nhằm sản xuất các viên đồng đều kích thước. Trong chăn nuôi động vật, tùy theo tập tính dinh dưỡng của vật nuôi mà có 2 dạng là dạng viên chìm cho tôm, động vật ăn đáy (công nghệ ép viên nén) và dạng viên nổi cho thức ăn cá (công nghệ ép đùn).
Ép viên nén: Trong ép viên nén hỗn hợp trộn được làm nóng đến nhiệt độ khoảng 850C, độ ẩm 16% trong thời gian 5 - 20 giây, sau đó hỗn hợp được nén qua bàn lỗ bằng kim loại. Nhiệt độ và thời gian của từng công đoạn thay đổi tùy theo thiết bị và thành phần nguyên liệu. Thiết bị ép này thường được sử dụng để ép viên thức ăn dạng chìm cho tôm. Các yếu tố ảnh hưởng đến viên ép nén là công thức thức ăn; thành phần muối khoáng; độ mịn của hạt nguyên liệu; độ hồ hóa nguyên liệu trước khi ép viên; khuôn ép; tốc độ quay của rotor; tốc độ thức ăn đi qua máy; áp lực của không khí. Chất lượng của viên thức ăn ép nén lệ thuộc vào 40% công thức thức ăn (nhất là hàm lượng chất béo); 20% độ mịn của nguyên liệu; 20% hồ hóa nguyên liệu; 15% khuôn ép và 5% làm nguội và sấy khô (Độ ẩm cao làm viên thức ăn bị mềm, độ ẩm không thích hợp làm viên thức ăn dễ bị vụn).
Ép đùn: Là công nghệ ép viên ở áp lực và nhiệt độ cao để tạo viên. Áp lực nén cao tạo ra áp lực lớn trên viên thức ăn và khi ra khuốn ép, viên thức ăn sẽ nở. Nhiệt độ cao 120 - 1250C giúp hồ hóa hoàn toàn tinh bột. Khi làm nguội chúng chỉ chiếm khoảng 0,25 - 0,3 g/cm3 vì thế viên thức ăn có thể nổi được. Công nghệ ép đùn có nhiều ưu điểm như: hồ hóa tinh bột tốt hơn; dễ kiểm soát nhờ tự động hóa; có khả năng bất hoạt một số yếu tố kháng dinh dưỡng trong nguyên liệu; khử trùng được các loại vi khuẩn, nấm mốc có trong thức ăn; quá trình ép viên sẽ làm giảm 50% lượng nước trong nguyên liệu; giúp nấu chín thức ăn làm tăng độ tiêu hóa protein và năng lượng. Việc lựa chọn máy ép đùn thường phụ thuộc vào các yếu tố: nguyên liệu sử dụng để chế biến thức ăn; loại thức ăn cần sản xuất; công suất sản xuất; chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành. Thức ăn viên ép đùn với nhiều lợi thế hơn và được nghiên cứu trong việc thay thế thức ăn viên nén đối với tôm thẻ chân trắng cũng cho kết quả tốt hơn. Do đó, công nghệ ép đùn hiện nay được sử dụng phổ biến hơn trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
6. Bảo quản thức ăn
Thức ăn sau khi sản xuất phải được bảo quản tại kho chứa thành phẩm của cơ sở sản xuất và phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo quy định để đảm bảo chất lượng thức ăn. Quá trình lưu trữ thức ăn có thể làm cho thức ăn bị hư hỏng giảm phẩm chất. Vì vậy, thời gian bảo quản tốt nhất cho thức ăn luôn phải được xác định. Sau đó, tiến hành phân phối thức ăn đến các cơ sở nuôi…
Hãy liên hệ với chúng tôi để biết thêm chi tiết
Hotline: 024 3791 8098
Ms. Thắm: 0393.923.563
Mr. Hoàng: 0987.904.052